Thông báo
An Giang - nơi không chỉ có nhiều cảnh quan thiên nhiên hữu tình và huyền bí mà còn là nơi lưu giữ những nét đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc. Nghề dệt thổ cẩm người Chăm xã Châu Phong, là một trong những làng nghề truyền thống còn lưu giữ được nét văn hóa lâu đời của dân tộc Chăm đến ngày nay. Ngày 06 tháng 3 năm 2023, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký quyết định số 480/QĐ-BVHTTDL đưa nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong các tỉnh miền Tây Nam Bộ, An Giang là nơi có nhiều người Chăm sinh sống nhất, trong đó tập trung chủ yếu ở thị xã Tân Châu và huyện An Phú. Hiện nay dân tộc Chăm ở An Giang với khoảng 15.300 người, chiếm 0,67% dân số toàn tỉnh. Hoạt động kinh tế của người Chăm chủ yếu là mua bán nhỏ, dệt thủ công, đánh bắt thủy sản nước ngọt và sản xuất nông nghiệp. Theo truyền thống, việc buôn bán thường do nam giới đảm nhiệm, người phụ nữ thường không tham gia lao động sản xuất ngoài xã hội. Công việc chính của họ là chăm sóc chồng con, chăm lo công việc bếp núc, làm nghề dệt thủ công...Nghề dệt thổ cẩm đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống lao động hằng ngày của đồng bào Chăm, tại xã Châu Phong, tỉnh An Giang. Đây là một trong những làng nghề đã tạo nên các tác phẩm tuyệt mỹ với nhiều sản phẩm vô cùng phong phú và đa dạng từ những sợi tơ tằm và trở thành nguồn kinh tế đóng vai trò chủ đạo trong cuộc sống của cộng đồng.
Từ khi hình thành cho đến nay, làng dệt Chăm đã trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử: Trước năm 1975, nghề dệt người Chăm đang hưng thịnh gần như 90% các hộ gia đình làm nghề dệt sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong vùng mà còn bán ra các nước lân cận như: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia,... Vào những năm 1973 - 1975, làn sóng du nhập văn hóa Mỹ về các mặt hàng công nghiệp của nước ngoài vào thị trường Việt Nam, các mặt hàng thủ công không còn được ưa chuộng, nghề dệt có chiều hướng mai một chỉ còn lại một số lượng nhỏ các hộ gia đình yêu nghề nên hoạt động cầm chừng. Đến 1997, hợp tác xã dệt thêu Châu Giang được ra đời. Các nghệ nhân và thợ dệt trong làng được tập trung lại để khôi phục làng nghề thổ cẩm. Người dệt trong hợp tác xã được giúp vốn để đóng khung, mua chỉ. Khi mới thành lập, hợp tác xã rất ít xã viên, hiệu quả kinh tế mang lại không đáng kể. Do đó, hợp tác xã gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm trong sản xuất và kinh doanh, các mặt hàng sản xuất ra còn mang tính đơn điệu chưa được phong phú. Trong suốt hai năm đầu khôi phục của hợp tác xã Châu Giang và làng dệt Châu Phong vẫn hoạt động cầm chừng và không có lãi. Nhưng với sự cố gắng của cộng đồng và của Ban chủ nhiệm Hợp tác xã, làng dệt dần dần đi vào ổn định và bắt đầu hoạt động có hiệu quả từ năm 1999. Đến năm 2021, theo biến đổi của thị trường dưới sự tác động của dịch COVID - 19, Hợp tác xã giải thể. Tuy nhiên, nghề dệt của người Chăm vẫn tồn tại, được sản xuất trong từng hộ gia đình, nó vừa là mặt hàng tiêu dùng của người dân địa phương vừa là sản phẩm kinh doanh phục vụ cho du lịch. Với những nổ lực trên cùng với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh An Giang, nghề dệt thủ công của đồng bào người Chăm tại xã Châu Phong đã có sự phát triển đáng ghi nhận, giúp nâng cao đời sống cộng đồng, góp phần vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Về dụng cụ dệt của người Chăm, khung dệt được chia thành hai loại: Dệt xà rông và dệt thổ cẩm. Khung dệt gồm các bộ phận chính như: Khung dệt, go (Chơ co), trục quấn sợi (rúc), bàn dập (t’shi), con thoi (h’oát), thanh văng, trục quấn vải (là bộ phận cuối cùng dùng để quấn vải sau thao tác dệt). Tất cả các bộ phận trên được liên kết và tạo thành khung dệt.
Khung dệt
Về quá trình và kỹ thuật dệt được làm trong từng hộ gia đình nên các thành viên đều có thể tham gia từ đàn ông, phụ nữ, người già đến những người trẻ mỗi người một công đoạn được chia ra rõ ràng. Từ khâu chọn nguyên liệu và dụng cụ như sợi, thuốc nhuộm, khung dệt, go,...Đều được chọn lọc một cách kỹ càng mới có thể chuyển sang công đoạn tạo sản phẩm. Quy trình dệt vải của người Chăm có sự phân công lao động khá rõ rệt. Công đoạn ươm tơ, kéo sợi, mắc sợi, dệt vải do phụ nữ đảm nhiệm. Nam giới thường thực hiện các công đoạn nặng nhọc, như tẩy trắng tơ, hồ tơ, nhuộm màu phơi khô... Sản phẩm dệt của người Chăm cũng rất đa dạng, bao gồm y phục cho nam và nữ, trong các sinh hoạt đời thường cũng như các nghi lễ tôn giáo. Bên cạnh đó, người Chăm còn dệt các sản phẩm phục vụ trong gia đình như: khăn choàng tắm, bóp, túi, rèm cửa, ga, gối... Những năm gần đây, do mặt hàng tơ ngày càng ít đi, giá thành cao nên ngoài dùng các loại tơ để dệt người nghệ nhân ở nơi đây còn sử dụng thêm các loại chỉ công nghiệp mua từ thành phố Hồ Chí Minh để dệt vì sản phẩm cho giá thành rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm dệt bằng tơ. Các hoa văn trên bề mặt thổ cẩm của người Chăm thường đa màu sắc như màu xanh được tạo từ vỏ và lá cây chàm, màu đỏ được nhuộm bằng màu cây klék (một loài cây mọc ở rừng dọc biên giới Campuchia), màu đỏ sậm là màu được rất nhiều người Chăm ưa chuộng được nhuộm bằng vỏ cây lahku và trái thơmơ,... Sản phẩm dệt của người Chăm mang nét đặc trưng riêng theo từng địa phương nơi cư trú làm nên nét đặc trưng riêng của văn hóa truyền thống của người Chăm An Giang.
Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm thể hiện rất rõ đặc thù gốc tích nông nghiệp như dụng cụ, nguyên liệu, giá trị sử dụng. Bên cạnh đó, nghề thủ công truyền thống này phản ánh được sinh hoạt tôn giáo cũng như các tính ngưỡng lễ nghi trong chu kỳ đời người của cộng đồng dân cư người Chăm. Vai trò của làng nghề dệt hết sức quan trọng trong đời sống sinh hoạt, kinh tế văn hóa xã hội. Nghề dệt gắn liền với cộng đồng người Chăm nơi cư trú ổn định trong quy mô ấp, xã, góp phần tạo nên các giá trị văn hóa đặc biệt là văn hóa phi vật thể từ nguồn gốc và đặc trưng xã hội nông nghiệp. Với quá trình hình thành và tồn tại lâu đời của nghề dệt thổ cẩm của người Chăm, mặc dù qua các hình thái kinh tế xã hội hay các phương thức sản xuất khác nhau, đã góp phần khẳng định được các giá trị văn hóa và ngôi vị lịch sử của nó trong quá trình hình thành và phát triển. Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm An Giang còn chứa đựng những giá trị tinh thần được phản ánh qua các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội,... Trong đó phải kể đến các quy ước, luật lệ để giữ gìn bí quyết nghề, để tồn tại của dòng họ hay của cộng đồng. Nghề dệt thổ cẩm vừa chứa đựng những yếu tố văn hóa truyền thống tiếp thu những tinh hoa của ông cha để lại, vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của xã hội hiện đại.
Nghề dệt của đồng bào người Chăm đã có bước phát triển đáng kể do tìm được thị trường tiêu thụ. Sản phẩm ngày càng đa dạng và phong phú từ những sản phẩm phục vụ đời sống cho đến các mặt hàng thổ cẩm cao cấp dùng để may quần áo, túi xách, ví..., kết quả đáng kể của làng nghề đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nhàn rỗi, phần lớn là phụ nữ Chăm vốn quen với tập quán ở tại chỗ không ra bên ngoài có được việc làm và nguồn thu nhập ổn định.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của nghề dệt đối với đồng bào Chăm, nhằm giúp bảo tồn và phát huy nghề dệt Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã triển khai công tác kiểm kê, tư liệu hóa về nghề dệt thổ cẩm của người Chăm.
Về đầu ra cho sản phẩm dệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, Ủy ban Nhân dân thị xã Tân Châu cũng đã hỗ trợ cộng đồng đưa sản phẩm nghề tham gia các kỳ hội chợ của các tỉnh, thành trên cả nước. Ngoài ra còn hỗ trợ cho làng nghề đem những sản phẩm đó vào các kênh phân phối hiện đại như các trang thương mại điện tử Shopee, Lazada,... để góp phần quảng bá các sản phẩm làng nghề cũng như đưa vào các siêu thị. Với hình thức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường, một số sản phẩm dệt theo mẫu mã và hoa văn mới đã có mặt trong các hội chợ, nhà hàng, khách sạn… thông qua các công ty du lịch trên Tp. HCM.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du tịch tỉnh, Bảo tàng tỉnh tổ chức, hỗ trợ cộng đồng thực hiện các trưng bày, trình diễn về nghề dệt của người Chăm tại Bảo tàng An Giang, Bảo tàng Cần Thơ, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Hà Giang…, góp phần bảo vệ và quảng bá nghề dệt truyền thống của người Chăm An Giang.
Trong Dự án Phát triển du lịch Mekong, Cấu phần B - Du lịch cộng đồng phục vụ người nghèo do Ngân hàng Châu Á (ADB) tài trợ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã hỗ trợ thành lập Trung tâm du lịch cộng đồng Châu Phong gắn với làng nghề dệt Chăm nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt đến với khách du lịch, từ đó tạo thêm việc làm cho người lao động tại chỗ và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh hỗ trợ kết nối làng dệt Chăm vào chương trình du lịch của các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh để giới thiệu điểm đến hấp dẫn cho du khách khi đến An Giang (giới thiệu cho khách trải nghiệm các công đoạn trong quy trình dệt, từ quay sợi đến mắc sợi, dệt vải). Đồng thời, thường xuyên tạo điều kiện cho các hộ gia đình hành nghề dệt Chăm tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại các kỳ hội chợ du lịch trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm dệt của người Chăm Châu Phong cũng đã có chỉ dẫn địa lý. Cùng với các chương trình khuyến công của tỉnh, Sở Công Thương, Phòng Kinh tế thị xã Tân Châu còn mở các lớp đào tạo, truyền nghề dệt cho lực lượng thanh niên trẻ tại địa phương nhằm tạo lực lượng kế thừa cho làng nghề.
Ngoài các chương trình, dự án phát triển làng nghề ở góc độ kinh tế, tỉnh cũng chú trọng công tác bảo vệ và phát huy các giá trị phi vật thể của làng nghề dưới góc độ văn hóa. Năm 2006, Bảo tàng tỉnh An Giang đã thực hiện đề tài khoa học về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của làng nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Chăm xã Châu Phong để đưa vào ngân hàng dữ liệu đề tài của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Đặc biệt, nghề dệt Chăm còn được vinh dự chọn là một trong 11 loại hình di sản văn hóa phi vật thể để tham gia trình diễn tại lễ hội Folklife Festival “Mekong – dòng sông kết nối các nền văn hóa” do Viện Smithsonian tổ chức tại Hoa Kỳ năm 2007 để giới thiệu ra thế giới về một loại hình văn hóa phi vật thể của dân tộc Chăm trong bức tranh đa văn hóa của Việt Nam và tham gia trình diễn tại một số lễ hội trong nước và quốc tế. Điều này cho thấy việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghề dệt của đồng bào Chăm đã được quan tâm từ lâu, tất cả các hoạt động trên đã giúp cho hình ảnh làng nghề dệt thổ cẩm vượt qua khỏi phạm vi làng ấp của người Chăm, qua đó không chỉ góp phần phát triển kinh tế cho đồng bào người Chăm, mà còn giữ gìn, quảng bá rộng rãi đến du khách về văn hóa dân tộc Chăm An Giang nói riêng và du khách quốc tế về bản sắc của dân tộc Việt Nam nói chung.
Du khách tìm hiểu về sản phẩm làng nghề.
số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc
1
Ông Đào Sĩ Tuấn (Phó Giám đốc Sở)
Điện thoại: 0908.180991
2
Cơ quan kiểm soát TTHC tỉnh
Điện thoại: 02963.957006
Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn
3
Tổ kiểm tra công vụ
Điện thoại: 02963.957049 - 0378.247247
Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn
4
Hỗ trợ khách du lịch
Huỳnh Thị Như Lam, Trưởng phòng Quản lý Du lịch
Điện thoại: 0918.868624
Thống kê truy cập
Lượt truy cập
Hôm nay
Đang online