Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang
Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh An Giang
Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch
Văn hóa
Văn học, nghệ thuật - một lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của nền văn hóa nước nhà
  •  Hồng Nhi (P.QLVH) (b)
  •  09/03/2023
  • A- A A+

“Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.”

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Nhận định này đã thể hiện vị trí, vai trò đặc biệt của văn học, nghệ thuật trong văn hóa, trong sự phát triển của con người và xã hội nói chung.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X), Tỉnh ủy An Giang ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/TU, ngày 14/10/2008 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, đã khẳng định vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội - "một lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế" của nền văn hóa nước nhà; ghi nhận những đóng góp tài năng của đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, đội ngũ văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X), và Chương trình hành động số 20-CTr/TU của Tỉnh ủy đã định hướng công tác xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật tỉnh nhà đi đúng hướng, góp phần đưa nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống; đưa cái mới, cái hay, cái đẹp vào trong hiện thực xã hội, góp phần đẩy lùi những tiêu cực, tệ nạn xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, thẩm mỹ cho nhân dân. Kiên quyết ngăn chặn làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Cùng với các ngành, các cấp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách, các quy định và thực hiện các nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về quản lý nhà nước đối với văn học, nghệ thuật. Việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn học, nghệ thuật đã có tác động tích cực tới sự phát triển phát triển văn học, nghệ thuật, nâng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Thành tựu đạt được của ngành văn hóa qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X), và Chương trình hành động số 20-CTr/TU của Tỉnh ủy với một số kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật.

Thực hiện tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về văn học, nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các văn nghệ sĩ, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa; nâng cao vai trò và ý nghĩa tích cực của văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, tổ chức các đợt phát động sáng tác gắn với “Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm báo chí và văn học - nghệ thuật với chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang tổ chức. Phát động hưởng ứng nhiều cuộc thi sáng tác để có những tác phẩm chất lượng, được tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống thông tin tuyên truyền trên địa bàn toàn tỉnh, trở thành một trong những chủ đề định kỳ và xuyên suốt. Qua đó, tạo ra những phong trào sáng tác sôi nổi, liên tục, thường xuyên trong đông đảo hội viên Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh, huyện thị, thành phố...

Trong bối cảnh tình hình dịch diễn biến phức tạp, thực hiệnKết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp các đơn vị liên quan phát động và kêu gọi “Văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT), lan tỏa các thông điệp phòng chống dịch trong nhân dân, nâng cao tinh thần lạc quan, tin tưởng và đồng hành với công cuộc chống dịch”. Đây được xem là một trong những hoạt động kịp thời, tạo được hiệu ứng và lan tỏa cao trong thời điểm đất nước đang rất cần sự đoàn kết, chung tay của toàn xã hội, qua đó đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh được những thành quả lớn lao của sự nghiệp đổi mới cùng những băn khoăn, trăn trở, lo âu trước những vấn đề mới của thời cuộc. Trong đại dịch COVID-19, văn học nghệ thuật đã thể hiện vai trò của mình qua những bài hát, vũ điệu, tranh cổ động, phim ảnh… có tác dụng cổ vũ lớn lao, giúp nhân dân cả nước nói chung, tỉnh An Giang nói riêng lạc quan, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc phòng, chống dịch bệnh, khơi dậy tinh thần xả thân vì cộng đồng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn.

Phối kết hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đơn vị có liên quan và các cấp chính quyền triển khai thực hiện các nội dung cơ bản của Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Tỉnh uỷ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn học, nghệ thuật theo các chủ trương, giải pháp đã xác định trong Nghị quyết và Chương trình hành động của Tỉnh ủy; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức nghiên cứu, quán triệt cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong toàn tỉnh. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư tạo được nhiều hiệu quả tích cực.

Công tác theo dõi nắm bắt tình hình và triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về hoạt động văn học luôn được triển khai đồng bộ. Nhờ đó, chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm để có sự trao đổi đầy đủ, kịp thời đúng với tinh thần, nội dung các Nghị quyết, văn bản của Trung ương và để phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tế.

Cụ thể hóa các văn bản của Trung ương thành các Nghị quyết, quyết định, kế hoạch về hoạt động văn học, nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp Liện hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2863/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2021 về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển văn học, Nghệ thuật tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030”. Đề án xác định mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh các hoạt động VHNT trên tất cả các lĩnh vực. Đào tạo bồi dưỡng, xây dựng tổ chức, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đông về số lượng, mạnh về chất lượng. Sáng tác, phổ biến được nhiều tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Tạo điều kiện thuận lợi cho VHNT phát triển mạnh mẽ, đa dạng, có nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh chân thật, sinh động về công cuộc xây dựng và phát triển địa phương An Giang, đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua đó, tạo ra những phong trào sáng tác sôi nổi, liên tục, thường xuyên trong đông đảo hội viên Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh, huyện thị, thành phố.

Việc triển khai thực hiện các văn bản liên quan đến văn học, nghệ thuật được triển khai trong hệ thống Đảng và nhà nước cùng các cấp trên địa bàn toàn tỉnh; các cấp ủy, chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng các chương trình nghệ thuật quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật của tỉnh; hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống; củng cố và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh, thành lập các câu lạc bộ như: CLB Văn học trẻ, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh, CLB Sáng tác ca khúc, CLB Sân khấu, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử thiếu nhi, CLB Đờn ca tài tử và Trích đoạn cải lương, CLB Vui hát vui múa...

Tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật với các loại hình như: sáng tác thơ ca, vè, truyện ngắn, sáng tác ca khúc và bài ca cổ, sáng tác tranh cổ động, tranh biếm họa, sáng tác kịch bản tiểu phẩm sân khấu,... Đặc biệt, trong năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc thi sáng tác bài ca cổ  với chủ đề “190 năm An Giang hình thành và phát triển” với mục đích tôn vinh những giá trị lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc; những đóng góp to lớn của vùng đất và con người An Giang trong tiến trình lịch sử. Với quy mô trên phạm vi cả nước cuộc thi đã thu hút nhiều tác giả đến từ các tỉnh thành như Long An, Bạc Liêu, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hoà Bình, Bình Thuận… Đặc biệt, với phần tham gia của 80 tác phẩm của các tác giả An Giang đã đem lại cho Cuộc thi nhiều tác phẩm đa dạng màu sắc viết về quê hương con người An Giang văn minh, giàu đẹp. Qua hơn 4 tháng triển khai, Cuộc thi đã nhận được 277 tác phẩm tham dự và Ban tổ chức cuộc thi đã chọn ra được 16 tác phẩm xuất sắc nhất để tiến hành trao giải.

Hằng năm, phối hợp Liên hiệp các Hội VHNT tổ chức họp mặt văn nghệ sĩ, để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các văn nghệ sĩ, nghệ nhân, hội viên sân khấu, nhằm liên kết các hoạt động văn hóa nghệ thuật góp phần phát triển văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà, đồng thời để vinh danh những cá nhân, tập thể ưu tú có nhiều đóng góp tiêu biểu cho phong trào văn hóa nghệ thuật của tỉnh.

Chỉ đạo Thư viện, Bảo tàng tỉnh tổ chức các hoạt động văn học, nghệ thuật như: Biên soạn và giới thiệu sách về các nhân vật lịch sử, về các sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương; Tổ chức các buổi giao lưu với nhà văn, nhà thơ; Triển lãm thơ nhiều tác giả lão thành; Lập bảng tin giới thiệu sách, tranh, thơ; Tổ chức Hội thi hóa trang, sân khấu hóa nhân vật từ tác phẩm văn học; Xếp sách nghệ thuật; Thi sáng tác tác phẩm; Thi tài năng sáng tạo bằng vật dụng tái chế; Truyền cảm hứng từ sách; biên soạn và xuất bản ấn phẩm sách ảnh giới thiệu đình làng trên địa bàn tỉnh An Giang; Tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật giới thiệu về các loại hình nghệ thuật đến công chúng…

Thứ hai, đổi mới, phát hiện, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ, cán bộ quản lý trẻ có trình độ chính trị vững vàng, có kiến thức, năng lực chuyên môn để bổ sung cho lực lượng sáng tác nhằm tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 24 lớp đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu về văn học, nghệ thuật với các chuyên đề như Biên tập chương trình văn hóa nghệ thuật, múa cơ bản, dẫn chương trình, nhiếp ảnh cơ bản và nâng cao, kỹ năng biên đạo múa, điều chỉnh âm thanh, thanh nhạc, Guitar cơ bản và nâng cao, Đạo diễn sân khấu, kỹ năng sáng tác ca khúc, Kỹ thuật biểu diễn sân khấu, kỹ năng và xây dựng chương trình nghệ thuật Đờn ca tài tử, vẽ tranh, hát dân ca, ngâm thơ, Múa chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp, kỹ năng hòa âm phối khí, thiết kế facebook, thiết kế Video clip trình chiếu,... Đặc biệt, tổ chức 2 Lớp truyền dạy nghệ thuật Độc tấu Ch’pay và 01 lớp Nhạc Ngũ âm cho thanh niên dân tộc Khmer nhằm gìn giữ, bảo tồn các nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc, tạo đội ngũ kế thừa, tránh nguy cơ mai một loại hình di sản nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích tài năng trẻ luôn được quan tâm, chú trọng. Các tác giả khi tham gia, tiếp cận sinh hoạt đã có nhiều khởi sắc. Nhiều tác giả được chọn đầu tư in ấn xuất bản tác phẩm, gửi tham gia dự giải thưởng hằng năm của Ủy ban TQ LHCHVHNT VN, tham gia Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc.

Thứ ba, quan tâm chế độ, chính sách trọng dụng nhân tài đối với văn nghệ sĩ.

Đẩy mạnh đầu tư và tài trợ cho văn nghệ sĩ thực hiện những công trình sáng tạo mang tính nghệ thuật và giá trị tư tưởng cao, hằng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, Liên hiệp các Hội VHNT đã phát động nhiều cuộc thi, sáng tác về văn học, kêu gọi, tuyển chọn và tiến hành đầu tư in ấn, xuất bản tác phẩm văn học. Các tác phẩm đều đạt yêu cầu về chất lượng, và hình thức chú trọng đề cao những khía cạnh tốt đẹp, hướng thiện, nhân văn của con người và đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống quê hương cách mạng, khai thác những tâm tư, tình cảm và số phận con người... đã phần nào phản ánh phong phú, sinh động các mặt đời sống, tuyên truyền hiệu quả các dấu ấn thời đại gắn với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và đường lối chính trị của Đảng và Nhà nước.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển văn học, nghệ thuật trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt là khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác và phổ biến các tác phẩm viết về đề tài truyền thống. Tổ chức Trại sáng tác, giao lưu thực tế về văn học luôn được tổ chức định kỳ hàng năm. Các chuyến đi thực tế luôn đạt kết quả tốt về chuyên môn với nhiều tác phẩm được chọn để quảng bá trên các phương tiện truyền thông, tạp chí. Các đợt đi thực tế giúp khơi dậy cảm hứng sáng tác, giúp các tác giả tìm hiểu và ghi nhận những thành tựu đã và đang làm được của các vùng miền, địa phương. Năm 2022, phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh tham mưu Tỉnh ủy tổ chức sáng tác ca khúc về An Giang và Trại Sáng tác ca khúc về An Giang, đợt vận động đã nhận được 526 tác phẩm gửi tham gia của 280 nhạc sĩ đến từ các địa phương trong tỉnh An Giang và 46 tỉnh, thành trong cả nước. Kết quả Hội đồng Giám khảo và Ban Tổ chức chọn trao giải cho 15 nhạc sĩ có tác phẩm đạt chất lượng tốt nhất trong đợt sáng tác.

Phối hợp, hỗ trợ Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh tạo điều kiện tốt nhất cho văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm về đề tài lịch sử, sự đoàn kết gắn bó cùng phát triển cộng đồng các dân tộc, truyền thống đấu tranh cách mạng, phản ánh hiện thực sinh động của cuộc sống, nêu cao tính chân, thiện, mỹ; giới thiệu những nhân tố điển hình, phục vụ hiệu quả sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Để tôn vinh các văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng hồ sơ trình UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, công nhận danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ ưu tú. Đến nay, An Giang có 4 nghệ nhân nhân dân, 30 nghệ nhân ưu tú và 3 nghệ sĩ ưu tú. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh còn tồn tại những khó khăn, hạn chế như sau:

Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền trong việc tổ chức, triển khai đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn học nghệ thuật còn chậm; tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng việc thể chế hóa các chính sách, chủ trương về văn học nghệ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hai là, sự phối hợp trong quản lý và tổ chức triển khai hoạt động văn hóa giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan tại một số thời điểm, một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ.

Ba là, chủ trương trương đầu tư cho văn học chưa phù hợp với thực tế, chưa thu hút được những cá nhân có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực văn học, chưa thực sự đảm bảo tính kế thừa trong công tác đào tạo.  

Bốn là, phong trào sáng tác và các hoạt động VHNT phát triển chưa đồng đều, tập trung phát triển ở các đô thị lớn, thành phố, thị xã, các huyện vùng sâu hoạt động còn khó khăn nên phong trào hạn chế.

Năm là, chất lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật đã được nâng lên, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Sáu là, kinh phí hoạt động cho các cơ quan thực hiện và tuyên truyền lĩnh vực văn học tỉnh còn ích, cơ chế phối hợp để hỗ trợ quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng của các đơn vị sở, ban, ngành có lúc có nơi chưa chặt chẽ; cơ chế xã hội hóa cũng gây ra nhiều khó khăn về mặt tâm lý cho người sáng tác, cụ thể là các văn nghệ sỹ vốn không có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp thị, liên hệ giới thiệu đầu tư và quảng bá tác phẩm.

Từ thực tế trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Sở văn hóa, thể thao và Du lịch đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần xác định và đề ra mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng nghị định về hoạt động văn học.

Văn học- nghệ thuật mà cụ thể là văn học góp phần không nhỏ vào thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên quan điểm Nghị định về văn học ra đời, sẽ có những quy định cụ thể về cơ chế chính sách, nguyên tắc hoạt động một cách cụ thể của các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương. Có những hướng dẫn cụ thể về cơ chế chính sách, kinh phí hoạt động… từ đó tạo điều kiện cho đội ngũ đang làm công tác văn học An Giang nói riêng, cả nước nói chung an tâm hơn trong hoạt động, phát huy tài năng, sáng tạo tiếp tục cống hiến cho nền văn học nước nhà.

Bên cạnh đó, cần có những biện pháp, hình thức xử lý các loại hình văn hóa độc hại phát tán trên các nền tảng số, internet, các tác phẩm văn học dịch kém chất lượng, cổ súy các quan điểm, suy nghĩ lệch lạc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ và tạo ra các trào lưu vô nghĩa, suy đồi văn hóa, gây nên những hệ quả nghiêm trọng và lâu dài.

Thứ hai, cần quan tâm nghiên cứu, nhận thức rõ vai trò, tác dụng của các loại hình văn học, nghệ thuật để có chính sách hỗ trợ các hoạt động văn học nghệ thuật phát triển; lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các loại hình văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cần đầu tư phát triển văn học nghệ thuật theo lộ trình nhiều năm, bảo đảm sự đầu tư phát triển và ổn định, lâu dài. Kinh phí hoạt động hiện tại chưa phù hợp trong bối cảnh trượt giá, cạnh tranh gay gắt với các loại hình khác, chất lượng sẽ làm cản trở, hạn chế sự lan tỏa những giá trị văn học - nghệ thuật đích thực, sẽ kéo theo sự suy thoái và xuống cấp nhanh chóng về văn hóa.

Các Hội đồng nghệ thuật, Hội đồng lý luận - phê bình VHNT Trung ương tăng cường hơn nữa các hoạt động, chương trình định hướng sáng tác hàng năm cho địa phương, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho giới văn nghệ sĩ của tỉnh.

Đẩy mạnh việc sơ kết, tổng kết hoạt động thực tiễn và công tác lý luận, phê bình nhằm thúc đẩy phong trào sáng tác, phổ biến, quảng bá các loại hình văn học, nghệ thuật khởi sắc và ngày càng đạt chất lượng cao hơn.

Thường xuyên tổ chức cho văn nghệ sĩ học tập chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng, rèn luyện chuyên môn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, tích cực sáng tác, tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và tính nghệ thuật cao

Thứ ba, rà soát, bổ sung các chính sách, cơ chế đồng bộ nhằm tạo điều kiện xây dựng, phát triển các hoạt động văn học nghệ thuật.

Xây dựng cơ chế đặt hàng tác phẩm phục vụ yêu cầu lãnh đạo tư tưởng chính trị, yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động sáng tạo trong hoạt động văn học; chính sách chăm lo an sinh xã hội, đào tạo bồi dưỡng đối với người đang hoạt động trong lĩnh vực văn học, từng bước hoàn chỉnh, nâng mức giải thưởng, chế độ nhuận bút,… Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển tài năng, năng khiếu VHNT.

Tăng cường đầu tư kinh phí phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ cho hoạt động Văn học. Thúc đẩy xã hội hóa, huy động nguồn lực phục vụ sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học.

Tăng cường quản lý công tác xuất bản, quảng bá, triển lãm tác phẩm văn học. Quản lý chặt chẽ sản phẩm, tác phẩm văn học, không để sai sót, vi phạm trong sáng tạo văn học; ngăn chặn sự du nhập sản phẩm, tác phẩm không phù hợp thuần phong mỹ tục, tác động tiêu cực đến nhận thức thẩm mỹ của công chúng./.

Văn học, nghệ thuật - một lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của nền văn hóa nước nhà

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Ông Đào Sĩ Tuấn (Phó Giám đốc Sở)

Điện thoại: 0908.180991

2

Cơ quan kiểm soát TTHC tỉnh

Điện thoại: 02963.957006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

3

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957049 - 0378.247247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

4

Hỗ trợ khách du lịch

Huỳnh Thị Như Lam, Trưởng phòng Quản lý Du lịch

Điện thoại: 0918.868624

Thống kê truy cập

Lượt truy cập

Hôm nay

Đang online

  • ĐẠI HỘI THỂ DỤC THỂ THAO TỈNH AN GIANG LẦN THỨ 9 NĂM 2022
  • THAM QUAN NHÀ LƯU NIỆM THỜI NIÊN THIẾU CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG
  • Tái khởi động du lịch

Copyright © 2020 sovhttdl.angiang.gov.vn.All Rights Reserved