Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang tổ chức Chương trình khảo sát và toạ đàm với Chủ để “thực trạng và giải pháp khai thác, phát triển sản phẩm Du lịch đường sông gắn với chợi nổi Long Xuyên”

Trong hai ngày 20 - 21 tháng 12 năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Long Xuyên tổ chức chương trình khảo sát và tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và Giải pháp khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đường sông gắn với Chợ nổi Long Xuyên”. 

Thực hiện chương trình liên kết và hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong năm 2024, An Giang tổ chức chương trình khảo sát và tọa đàm du lịch đường sông, qua đó, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của loại hình du lịch đường sông. Đây là cơ hội để xây dựng, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm du lịch đường sông độc đáo của An Giang đến với du khách trong và ngoài nước, đặc biệt, hướng đến tới thị trường du lịch trọng điểm Thành phố Hồ Chí Minh. 

Tham gia đoàn khảo sát có đồng chí Nguyễn Trung Thành - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang làm trưởng đoàn; cùng với sự tham gia của 80 đại biểu đại diện các phòng, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Long Xuyên, các cơ quan, trường đại học và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại An Giang và 12 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. 

Hành trình khảo sát bắt đầu tại Bến Ô Môi, đoàn di chuyển bằng tàu du lịch, tham quan và ngắm bình minh trên Chợ nổi Long Xuyên, thưởng thức bữa ăn sáng bồng bềnh sông nước nhưng đầy thú vị. Hoạt động này mang lại cảm giác chân thực về nhịp sống và văn hóa sông nước đặc trưng của Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng. Đoàn cũng tìm hiểu về mô hình nuôi cá bè trên sông Hậu, cho cá ăn và tham quan, trải nghiệm mô hình trồng lúa, hoa kiểng thủy canh của chủ cơ sở. 

Tiếp nối hành trình, đoàn di chuyển đến cù lao Ông Hổ - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến, lá phổi xanh của Thành phố Long Xuyên, địa danh đậm chất miệt vườn miền Tây Nam Bộ. Tại đây, các thành viên Đoàn khảo sát được khám phá khung cảnh bình dị của xứ cù lao bằng xe ba gác, tham quan tuyến đường hoa đẹp nhất xứ cù lao, tận mắt chứng kiến các hoạt động nông nghiệp truyền thống và tấm lòng mến khách của cộng đồng địa phương. 

Đồng thời, chuyến tham quan còn mang đến những trải nghiệm thú vị khi du khách được thưởng thức trái cây tươi ngon từ vườn nhà và các món bánh dân gian đặc sắc đặc sắc từ “đôi bàn tay” khéo léo của các nghệ nhân địa phương. Đặc biệt, đoàn dâng hương và tham quan, tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Di tích cấp quốc gia đặc biệt - Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, một điểm đến mang nhiều ý nghĩa lịch sử và nhân văn sâu sắc. Chuyến khảo sát tạo cơ hội để doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu, trải nghiệm hoạt động du lịch sông nước kết hợp du lịch cộng đồng trên địa bàn Thành phố Long Xuyên, qua đó, giúp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chính quyền địa phương tìm kiếm các giải pháp thiết thực để khai thác và phát triển mô hình du lịch mới của địa phương, hướng đến phát triển du lịch bền vững và tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế gắn với hoạt động du lịch.

Đồng thời, chương trình tập trung vào việc tìm kiếm các giải pháp thiết thực để bảo tồn, khai thác và phát triển chợ nổi Long Xuyên, hướng tới việc định vị chợ nổi như một sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo của An Giang nói chung và Thành phố Long Xuyên nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác loại hình du lịch đường sông trong thời gian tới, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút du khách, gia tăng giá trị văn hóa và kinh tế cho khu vực. 

Cùng ngày, tại Thành phố Long Xuyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân Thành phố Long Xuyên tổ chức Tọa đàm “Thực trạng và Giải pháp khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đường sông gắn với chợ nổi Long Xuyên”, thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các Sở, Ban, Ngành trong tỉnh, Hiệp hội Du lịch An Giang, trường đại học An Giang, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trong tỉnh, đặc biệt có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và 12 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long và các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh đến tham dự và đưa tin. 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã lắng nghe các bài tham luận và ý kiến phát biểu giá trị, tập trung trao đổi về thực trạng, tiềm năng và định hướng phát triển du lịch đường sông tại An Giang. Đặc biệt,  nhiều chuyên gia du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành trong khu vực đã “hiến kế” cho tỉnh An Giang trong việc lựa chọn, khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch đường sông; khai thác giá trị văn hóa địa phương cho phát triển du lịch, đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm đến chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch như: bến thủy nội địa, nhà chờ, bãi xe….. khai thác tuyến du lịch đường thủy của An Giang đến Vương quốc Campuchia và ngược lại, đây là sản phẩm du lịch đường sông “đặc trưng, riêng biệt”  của tỉnh An Giang.

Khép lại chương trình tọa đàm, đồng chí Nguyễn Trung Thành - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao các ý kiến phát biểu “đúng và trúng” của quý lãnh đạo, quý doanh nghiệp, đồng thời, tiếp tục phối hợp Ủy ban nhân dân Thành phố Long Xuyên tiếp tục tham mưu Tỉnh các giải pháp đồng bộ để phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch An Giang, đồng thời, đề nghị doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố tiếp tục đồng hành cùng hoạt động du lịch An Giang trong giai đoạn tới.

Phòng QLDL