BÁC TÔN VÀ BÀI HỌC QUÝ VỀ CHIẾC CỐI XAY TIÊU

Lúc sinh thời, Bác Tôn không chỉ là một người lãnh đạo gương mẫu của Đảng và Nhà nước ta,  mà Bác còn là một người chồng, người cha hết sức mẫu mực trong gia đình. Đối với đất nước, dù ở bất cứ ở cương vị nào, hoàn cảnh nào, Bác luôn hoàn thành xuất sắc mọi nghiệm vụ được giao, đối với gia đình thì luôn tận tình quan tâm, chăm sóc, đặc biệt là tấm lòng thủy chung, yêu thương tha thiết của Bác dành cho vợ.

Theo Hồi ký “Những ngày tôi làm thầy thuốcriêng cho Bác Tôn” của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp kể lại câu chuyện khi Bác Tôn sang Liên Xô nhận giải thưởng hòa bình quốc tế Lênin. 

Đây là một giải thưởng do Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Liên Xô hàng năm tặng cho những người có công đóng góp cho phong trào hòa bình thế  giới. Giải thưởng gồm một tấm bằng kèm theo số tiền 100.000 rúp. 

Khi nhận được tin này, Bác Tôn rất do dự vì e mình chưa xứng đáng nhận  phần thưởng cao quí đó. Bác Hồ đã đích thân đến gặp, cầm tay Bác Tôn nói đại  ý: Người nhận phần thưởng này phải là người tiêu biểu. Người tiêu biểu đó chính  là Cụ. 

Ngày 21-1-1956, tại Điện Krem-li, Ủy ban giải thưởng hòa bình quốc tế  Lênin đã tổ chức trọng thể lễ trao phần thưởng cho Bác Tôn. Số tiền được thưởng, Bác Tôn đã trao lại cho Ủy ban Thiếu niên, Nhi đồng Hà Nội để sử dụng, phục vụ cho các hoạt động chăm lo cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. 

Trong thời gian lưu lại Mátxcơva, Chính phủ Liên Xô có trao riêng cho Bác Tôn 10.000  rúp, các thành viên khác mỗi người 1.000 rúp để mua quà tặng về cho gia đình, bạn bè. Ai cũng mua hết số tiền giành cho phần mình. Riêng Bác Tôn, đến ngày cuối sắp lên đường về nước vẫn chưa mua gì cả. Bác sĩ Nghiệp nhắc xem Bác muốn mua gì thì mua giúp. 

Bác Tôn suy nghĩ hồi lâu, bảo: 

- Tôi thích nhứt là cá kho tộ bỏ nhiều tiêu. Chiều nào bà ấy cũng đem tiêu  hột ra đâm trong chén, văng tùm lum ra ngoài. Mắt bả kém rồi, nên cứ mò mò  lượm từng hột bỏ vô. Vậy anh mua dùm tôi một cái cối xay tiêu đem về tặng chắc bả mừng lắm! 

Bác sĩ Nghiệp vội chạy ra Cửa hàng bách hóa tổng hợp Mátxcơva tìm một cái cối xay tiêu quay tay bằng gỗ rất đẹp, nhưng chỉ hết có 7 rúp. Số tiền còn lại, Bác Tôn đã giao trả lại tất cảcho Chính phủ Liên Xô. Thế là chiếc cối xay tiêu đã trở thành kỷ vật của ngày hôm nay trong hoàn cảnh ấm áp nghĩa tình như thế. 

     Chiếc cối xây tiêu tuy chỉ là một món quà nhỏ, giá trị vật chất không lớn, nhưng giá trị tinh thần lại vô cùng lớn lao, nó thể hiện một tình cảm sâu sắc, sự quan tâm tinh tế của  Bác Tôn dành tặng cho người vợ yêu thương của mình khi vào ở độ tuổi xế chiều, dù là với chi tiết nhỏ nhất, hình ảnh mộc mạc và gần gũi nhất của vợ.

Đó còn là cách Bác Tôn muốn đền ơn, trả nghĩa cho những hy sinh thầm lặng của vợ, sự thủy chung chờ đợi khi Bác bôn ba khắp nơi để hoạt động cách mạng, nhất là khoảng thời gian dài Bác bị tù đày suốt 15 năm tại nhà tù Côn Đảo.

Bác Tôn, không những là nhà cách mạng đầy chí khí mà còn là tấm gương sáng về sự trong sạch và giản dị của mình. Câu chuyện về chiếc cối xay tiêu mà Bác Tôn dành tặng vợ đã phần nào khắc họa rõ nét chân dung của một nhà lãnh đạo bình dị, cao cả, yêu thương vợ con, yêu thương gia đình vô cùng tha thiết. Trên tất cả, từ câu chuyện chiếc cối xay tiêu còn để lại một bài học giáo dục vô cùng dung dị về tình yêu thương gia đình, sự quan tâm chu đáo mà sâu sắc thủy chung trong tình cảm vợ chồng. 

Tình yêu đối với vợ, tình cảm đối với quê hương và ý thức tiết kiệm  của Bác Tôn quả là cao đẹp. Hiện tại, đến tham quan Nhà Trưng bày “Thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng” tại Khu lưu niệm Bác Tôn, khách tham quan sẽ dễ dàng thấy được hiện vật Chiếc cối xay tiêu đang được trưng bày trang trọng tại nơi đây.

Tuy Chiếc cối xay tiêu hiện đang trưng bày không phải là hiện vật gốc, mà chỉlà được phục dựng lại, nhưng khi xem qua hiện vật, khách tham quan phần nào cũng có thể hiểu và hình dung được câu chuyện đã kể, một minh chứng lịch sử sống động và chân thật về Bác Tôn. 

Không riêng về chiếc cối xay tiêu, mà từng kỷ vật lịch sử về Bác Tôn được lưu giữ đến ngày hôm nay dù là bản gốc, hay được phục dựng lại vẫn luôn mang một cái hồn về những câu chuyện lịch sử, và hơn hết là “Mang đậm chất người Tôn Đức Thắng” – Người con của Nam bộ thành đồng.

BQL Khu lưu Niệm