Người thợ máy Tôn Đức Thắng và 105 năm sự kiện Binh biến Hắc Hải (20/4/1919 - 20/4/2024)

  Vào những ngày tháng tư lịch sử, 49 năm trước ngày Miền Namgiải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024). Đồng thời trong tháng tư này chúng ta cũng kỷ niệm tròn 105 năm (20/4/1919-20/4/2024)ngày người thợ máy Việt Nam – Tôn Đức Thắng tham gia phản chiến trên Biển Đen bảo vệ nước Nga Xô Viết trẻ tuổi, bảo vệ Nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới.

    Vào cuối thế kỷ 19, sau khi cơ bản kết thúc giai đoạn dùng vũ lực xâm lược, Thực dân Pháp đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện nhằm phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ I (1897 – 1914) và lần II (1919 – 1929). Các công trình đô thị, khu công nghiệp, đồn điền cao su… mọc lên ngày càng nhiều tại các thành phố lớn như Sài Gòn - Chợ Lớn, Hà Nội, Vinh – Bến Thủy… Sự phát triển đó đã hình thành giai cấp công nhân của Việt Nam.

  Công nhân Việt Nam trong giai đoạn này bị áp bức, bóc lột. Giờ làm kéo dài từ 10 đến 14 tiếng mỗi ngày, không có bảo hộ và tai nạn lao động luôn xảy ra. Tuy nhiên, do giác ngộ còn thấp nên những cuộc đấu tranh của người công nhân diễn ra lẻ tẻ, rời rạc ở từng xí nghiệp, từng kíp thợ và chỉ dừng lại ở mức tự phát nên Thực dân Pháp đã đàn áp rất dã man.Năm 1906, Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn học tại trường cơ khí Á Châu niên khóa 1915-1917 và bắt đầu hòa mình vào cuộc sống người thợ, Tôn Đức Thắng tổ chức và tham gia các cuộc đấu tranh của công nhân xưởng Kroff, xưởng Ba Son, trường Bá Nghệ Sài Gòn. Chưa học xong khóa học, Tôn Đức Thắng bị động viên sang Pháp làm lính thợ tại quân cảng Toulon.

  Bác Tôn đến quân cảng Toulon, một quân cảng ở Địa Trung Hải thuộc miền Nam nước Pháp, được ít lâu thì bị điều xuống làm thợ máy trên một chiếc tàu tuần biển lớn của hải quân Pháp. Chiếc tàu này là loại tàu chiến lớn thuộc loại hiện đại lúc đó của Pháp. Tàu mang tên “France”. Trên tàu có 1.200 lính thủy, lính thợ, tài công, chỉ huy,… Trang bị trên tàu, nếu chỉ tính súng đại bác, có 12 khẩu 305 mi-li-mét và 22 khẩu pháo 138 mi-li-mét.

  Tháng 11 năm 1917, gia cấp vô sản và anh em binh lính cách mạng ở Nga đã tiến thành thắng lợi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước Nga Sa hoàng, một mắc xích trong hệ thống đế quốc chủ nghĩa thế giới, một người bạn đồng minh mạnh mẽ của đế quốc Pháp bị tiêu diệt. Cách mạng Tháng Mười năm 1917 thắng lợi đã làm rung chuyển thế giới. Nhân dân lao động toàn thế giới hướng về nước Nga XôViết vui mừng, phấn khởi, hy vọng.. trái lại, bè lũ đế quốc thì lo sợ. Hai tên đế quốc Đức và Pháp đang cắn xé để tranh giành quyền lợi vội vàng hòa hoãn với nhau để hợp nhau chống nước Nga XôViết non trẻ mới ra đời, vì chúng biết rằng đây mới chính là nguy cơ đe dọa quyền lợi thực dân của chúng. Ngày 11 tháng 10 năm 1918, bọn đế quốc họp nhau ở Verssailles (Pháp) để ký hòa ước không đánh nhau và bàn mưu can thiệp vào nước Nga, giúp cho bọn phản động trong nước Nga đang có âm mưu chống chính quyền XôViết. Theo hòa ước Verssailles, chiến tranh thế giới đã kết thúc nhưng binh lính Pháp lại được lệnh tiến vào nước Nga gây một cuộc chiến tranh mới.

  Mặc dù lênh đênh trên biển cả, tin tức đến chậm nhưng cuối cùng tin về nước Nga XôViết, tin về chiến tranh chấm dứt, tin về việc can thiệp vào nước Nga… vẫn đến chiến hạm France. Binh lính trên tàu bàn tán xôn xao nửa tin, nửa ngờ về nước Nga mới. Còn tin tức về cuộc chiến tranh mới thì hầu hết binh lính đều bất mãn. Chiến tranh kết thúc, lẽ ra họ được giải ngũ, trở về với cuộc sống bình thường thì nay vẫn phải tiếp tục làm lính sống cuộc đời căng thẳng của chiến tranh. Trước kia, đánh quân Đức dẫu là chiến tranh đế quốc, họ vẫn được tiếng là “bảo vệ Tổ quốc”, nay lại đi đánh nước ngoài không có ý nghĩa gì hết. Nhưng luật nhà binh làm họ hậm hực phản đối ra mặt…

  Ngày 01 tháng 4 năm 1919, hạm đội hải quân Pháp tiến vào Biển Đen, trong đó có tàu chiến France và người thợ máy Tôn Đức Thắng. Ngày 5 tháng 4 tàu đến Ôđétxa, một đại đội lính thủy đánh bộ đổ bộ lên cảng, chuẩn bị can thiệp nếu Hồng quân đánh vào thành phố. Lúc này anh em binh lính trên tàu mới hay, không phải chỉ có hải quân, cả bộ binh, pháo binh, công binh trong quân đội can thiệp Pháp đều phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa này. Đến đất nước Nga trực tiếp thấy Hồng quân, thợ thuyền, dân cày đã phấn khởi như thế nào khi giành được quyền làm chủ và họ đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ chính quyền Xô Viết như thế nào… tâm trạng của người lính Pháp và người thợ máy Tôn Đức Thắng đã bất mãn lại càng bất mãn hơn. Tâm lý phản chiến đã nhen nhóm khi hạm đội vào Biển Đen ngày càng bùng lên mãnh liệt. Thế nhưng bọn chỉ huy vẫn ngoan cố. 16 giờ chiều hôm đó, chúng ra lệnh cho pháo bắn vào thành phố để cản bước tiến của Hồng quân. Suốt cả chiều và gần cả đêm hôm đó, pháo trên chiến hạm France và trên chiến hạm Jean Bart đậu cạnh đó, đã nã tới tấp trên đường phố, trút chết chóc lên đầu những người dân vô tội.

  Nhiều anh em binh lính biểu thị công khai sự phẫn nộ trước những hành động điên cuồng và ngu xuẩn của bọn chỉ huy. Họ bàn tán với nhau tìm cách chống lại. Thái độ cứng rắn của bọn chỉ huy càng làm tăng bầu không khí bất bình thường trong binh lính.Là một thợ máy, người Việt Nam duy nhất trên chiến hạm France, Tôn Đức Thắng đã hòa mình vào không khí phản chiến sục sôi của lính thủy Pháp trong những ngày tháng 4 năm 1919 ở Biển Đen. Anh mang trong mình 2 nỗi đau: Nỗi đau của người dân mất nước và nỗi đau của người thợ bị áp bức. Vì vậy sự bất bình của anh em binh lính Pháp đã nhân lên gấp bội ở trong Anh. Không cuộc họp mặt phản kháng nào không có Anh tham dự. Sự dũng cảm và điềm tỉnh của Anh đã làm cho anh em lính thủy thủ Pháp tin cậy và tôn trọng.

  Ngày 19 tháng 4, tàu France đậu sau Đô đốc Jean Bart, sát cạnh chiến hạm Vergniaud và Du Chayla trên cửa biển Xêvátxtôpôn của nước Nga. Để trừng phạt thủy thủ và những hành động vô kỷ luật trong những ngày vừa qua, 15 giờ ngày hôm đó, các sĩ quan chỉ huy thông báo cho mọi người biết lệnh ngày mai, 20 tháng 4, tuy là ngày lễ Pâques (lễ phục sinh), nhưng không ai được nghỉ, mà phải xếp chuyển 700 tấn than lên tàu.

  Binh lính và thủy thủ trên chiến hạm France phẩn nộ và bàn tán xôn xao về cái lệnh trừng phát đó của bọn chỉ huy.16 giờ 30 phút, giờ hạ cờ hàng ngày của chiến hạm, toàn thể binh sĩ tập họp trước kỳ đài. Mười tám người từ chối bỏ mũ và cất tiếng kêu gọi hàng quân: “Tất cả ai muốn vác than ngày mai, chiều tối nay lên bãi biển”.Suốt bữa ăn chiều hôm đó, anh em binh lính sôi nổi trao đổi và vận động nhau tham gia cuộc đấu tranh này. Tôn Đức Thắng và những anh em thủy thủ cất vang tiếng hô khẩu hiệu: “Trở về Toulon ngay lập tức!”, “không chiến tranh với Nga!” ầm vang át cả tiếng sóng Biển Đen.

  Cũng ngay đêm đó, Tôn Đức Thắng cùng binh lính trên chiến hạm France bí mật liên lạc với anh em trên Đô đốc hạm Jean Bart, bàn nhau tổ chức cuộc biểu tình phản chiến vào giờ chào cờ thường lệ ngày mai, 20 tháng 4, 08 giờ sáng, giờ chào cờ. Như thường lệ tiếng kèn tập họp lanh lãnh cất lên trên chiến hạm France. Mọi người tề tựu đầy đủ bên kỳ đài. Được sự phân công của anh em binh lính phản chiến, Tôn Đức Thắng, người thợ máy mang số 418, dũng cảm và điềm tĩnh rời hàng quân tiến thẳng về phía cột cờ. Bằng một động tác nhanh, gọn và thành thạo, Anh buộc cờ vào dây kéo cờ, rồi từ từ kéo lá cờ đỏ lên trên đỉnh cột cờ của chiến hạm. Nét mặt Anh nghiêm trang nhưng rạng rỡ. Dáng đứng của Anh hiên ngang. Đầu Anh ngẫn cao, theo dõi lá cờ đỏ. Hai tay vẫn đều đều điều khiển sợi dây để đưa lá cờ đỏ lên cao. Trong lòng Anh trào dâng niềm xúc động vô biên. Sau lưng Anh, cả hàng quân im phăng phắc. Trên những khuôn mặt sạm đen nắng gió của thủy thủ Pháp ánh lên một tình cảm rạo rực, đợi chờ. Đám sĩ quan chỉ huy hoảng hốt nhìn nhau. Có tên đã sờ tay vào súng. Cách mũi súng của chúng chỉ vài bước chân thôi, là tấm lưng to, rộng của người thợ máy Việt Nam đang bình tĩnh kéo cờ đỏ lên đỉnh điểm của cột cờ chiến hạm.Lên tới đỉnh cột cờ, lá cờ đỏ tung bay phần phật trong buổi sớm mai lộng gió Biển Đen. Tôn Đức Thắng lại bình thản buột chốt sợi dây vào chân cột để giữ lá cờ ở trên cao.Hàng quân sau lưng Anh chuyển động, bài hát Quốc tế ca vang lên. Tiếng hát say mê, xối xả giục giả lòng người.

  Rồi, tiếp đó, một lá cờ đỏ nữa được kéo lên trên đỉnh kỳ đài của Đô đốc hạm Jean Bart. Cả một vùng Biển Đen ầm vang tiếng hát và tiếng hô khẩu hiệu của những người lính tham gia phản chiến.

  Cuộc nổi dây phản chiến của anh em binh lính và thủy thủ Pháp ở Biển Đen, trong đó có sự tham gia tích cực và dũng cảm của người thợ máy Tôn Đức Thắng vào những ngày tháng 4 năm 1819, đã buộc hạm tàu Pháp đã quay đầu về nước, đã chấm dứt sự can thiệp vũ trang của đế quốc Pháp vào miền Nam nước Nga, góp phần bảo vệ nước Nga Xô Viết trẻ tuổi, bảo vệ Nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới.

  Gần bốn mươi năm sau, hồi tưởng lại giây phút lịch sử kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm France năm 1919 ở Biển Đen, Bác Tôn nói: “Chúng tôi chào các bạn Nga bằng lá cờ đỏ được giương lên ở Biển Đen. Tôi mơ ước cùng với lá cờ đỏ này, tuần dương hạm sẽ cập bến Nga. Tôi sẽ lên bờ và được dịp tham gia cuộc cách mạng, học tập các bạn Nga để trở về Tổ quốc giúp đỡ dân tộc tôi vứt bỏ ách nô lệ…Tôi tin rằng ở đó nhân dân lao động đã vùng lên để quét sạch mọi áp bức, bất công, mà tôi, một công nhân của dân tộc thuộc địa da màu, đã từng phải chịu đựng. Tôi tin rằng ở đó người ta đang xây dựng một thế giới đẹp đẽ, thật sự công bằng…”

 105 năm sau sự kiện phản chiến ở Biển Đen, hành động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng thể hiện ý thức chính trị, xuất phát từ lòng yêu nước, căm thù đế quốc và tình cảm quốc tế trong sáng, cao cả. Đó là lẽ tự nhiên bởi vì như Chủ tịch Tôn Đức Thắng sau này hồi tưởng lại đã viết: “Tôi tin rằng, bất kỳ người Việt Nam yêu nước nào, nhất là công nhân, được tham gia vào những giờ phút lịch sử đó tại Biển Đen, không thể hành động khác tôi, bởi vì yêu Tổ quốc và căm thù đế quốc, cũng có nghĩa là yêu Cách mạng Tháng Mười Nga và căm thù những kẻ chống lại Cách mạng Tháng Mười”. Hành động dũng cảm của Bác Tôn Đức Thắng biểu thị tình cảm và quyết tâm của nhân dân Việt Nam với con đường cách mạng Tháng Mười Nga và lãnh tụ Lênin vĩ đại, đặt nền tảng xây đắp tình hữu nghị Việt Xônhư chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “hành động đó cũng tượng trưng cho tinh thần quốc tế cao cả của giai cấp công nhân Việt Nam”.

Tài liệu tham khảo:

- Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo nổi tiếng của cách mạng Việt nam, NXB Lý luận Chính trị - Hà Nội 2018.

- TS. Văn Thị Thanh Mai – Toả sáng tư tưởng và đạo đức Hồ Chi Minh, NXB Chính trị Quốc gia, năm xuất bản 2010.

Lê Tuấn Cường -BQL Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng