“Công nghiệp văn hóa là các ngành sản xuất ra những sản phẩm vật thể và phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải và thu nhập thông qua việc khai thác những giá trị văn hóa (kể cả những giá trị văn hóa hiện đại và truyền thống) và sản xuất những sản phẩm và dịch vụ dựa vào tri thức” (UNESCO)
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược xác định 12 lĩnh vực của Công nghiệp văn hóa bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.
Nhằm bồi dưỡng trang bị kiến thức cho lực lượng công chức, viên chức của ngành về phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam; đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa ở An Giang dựa trên những lợi thế của tỉnh. Sáng ngày 5/6/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du, lịch phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã Khai giảng Lớp Bồi dưỡng nâng cao kiến thức về phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam năm 2024 cho 140 cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ tỉnh đến cơ sở và các Sở, ban, ngành trong tỉnh. Đội ngũ Giảng viên của Lớp bồi dưỡng là các Chuyên gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Lớp bồi dưỡng diễn ra trong 02 ngày (từ ngày 5/6 đến 6/6/2024) với các chuyên đề lý luận và thực tiễn về Chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam; Vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa đối với phát triển bền vững; Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và sự lựa chọn của các thành phố tại Việt Nam; Thực trạng phát triển công nghiệp văn hóa ở An Giang; Du lịch với phát triển công nghiệp văn hóa và Kinh nghiệm phát triển du lịch văn hóa ở một số địa phương. Bài học và một số gợi mở phát triển du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch tâm linh ở An Giang trong bối cảnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Các chuyên đề giúp học viên nâng cao nhận thức về chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, từ đó chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh nhà.
Phát biểu Khai giảng Lớp bồi dưỡng, Đại diện Ban Giám đốc Sở VHTTDL, Bà Huỳnh Thị Như Lam - Phó Giám đốc Sở VHTTDL chúc Lớp bồi dưỡng đạt hiệu quả cao và đề nghị các học viên phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung, nghiêm túc lắng nghe đầy đủ, tích cực trao đổi, thảo luận về những vấn đề mới, khó khăn, phức tạp, liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ của đơn vị, địa phương với các giảng viên và giữa các học viên với nhau; đồng thời bày tỏ mong muốn các giảng viên, trong quá trình giảng dạy, có sự lồng ghép giữa nội dung lý thuyết các chuyên đề gắn với trao đổi các nội dung thực tiễn, để các học viên tiếp thu, nâng cao nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa, gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người An Giang, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế./.