Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang phối hợp xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn tổ chức Trình diễn Nghề gốm của đồng bào dân tộc Khmer An Giang

Làng gốm Phnôm Pi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là nơi duy trì nét đẹp truyền thống của đồng bào Khmer qua từng sản phẩm cà ràng (bếp củi), cà om (nồi)…

Với mong muốn khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc; giữ gìn, tôn vinh và quảng bá giá trị Nghề gốm của đồng bào Khmer An Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức trình diễn và ghi hình tư liệu quy trình, kỹ thuật thủ công truyền thống của người Khmer, tái hiện lại tri thức và kỹ năng làm nghề gốm được trao truyền trong gia đình, dòng họ và cộng đồng, các sản phẩm gốm mang đậm nét đẹp truyền thống, tập tục sinh sống của đồng bào Khmer; đồng thời tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong cộng đồng dân tộc Khmer An Giang nói riêng và cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của nghề làm gốm truyền thống của người Khmer trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.

Làng gốm Phnôm Pi có khoảng trăm năm nay. Điểm khác biệt ở làng gốm này là tất cả sản phẩm đều được làm thủ công,sử dụng các công cụ đơn giản, tạo hình độc đáo theo tập tục sinh hoạt của người Khmer, có những họa tiết được khéo léo tạo nên từ đôi tay người thợ và độ bền của các sản phẩm gốm rất cao. Theo sự phân công trong nghề, đàn ông thì đào đất, gánh đất, đốn củi, nung gốm... còn phụ nữ đảm nhận khâu làm gốm. Bà con dân tộc Khmer cho biết đất dùng làm gốm được lấy ở độ sâu 1 - 2 m tại khu vực chân núi Nam Quy vì nó đặc biệt, hoàn toàn không lẫn tạp chất. Đất sau khi lấy về được ủ rồi tưới nước cho mềm; lấy cây đập; nhồi đất; nặn thành hình; nặn họa tiết; đem phơi từ 5 - 7 ngày; cuối cùng đem nung bằng rơm, rơm phải được phủ kín để hơi không lọt ra ngoài mới nung ra mẻ gốm đẹp, thời gian nung khoảng 2 đến 3 giờ là gốm chín.

Trong các sản phẩm làm ra, đồ đun nấu chiếm số lượng lớn. Đặc biệt, cà ràng (bếp củi) và cà om (nồi) là mặt hàng mang đậm nét truyền thống của đồng bào Khmer, khá nổi tiếng và bán chạy một thời. Theo bà Néang Sa Na, ngày xưa, làng gốm Phnôm Pi có cả trăm lò nung quanh năm đỏ lửa, nhưng nay chỉ còn hơn 10 hộ gắn bó. Lúc trước, sản phẩm làm ra được khách nơi xa đến tìm mua. Nhưng giờ bếp điện, bếp gas trở nên phổ biến thì bếp bằng đất không còn thông dụng nữa nên việc mua bán các sản phảm gốm tại Làng gặp khó khăn, hiện để bán những sản phẩm này, các hộ phải chở ra chợ hoặc đến những địa bàn lân cận rao bán.

Chương trình trình diễn Nghề gốm của đồng bào dân tộc Khmer thể hiện được giá trị nghệ thuật của nghề gốm, mang chất dân dã, bình dị, giữa cuộc sống hiện đại và là hiện thân cho một phần văn hóa Khmer vùng Bảy Núi. Phù hợp không gian, kết nối không gian tổng thể hài hòa để nêu bật được sự độc đáo, hấp dẫn, giá trị văn hóa của di sản; hình ảnh, tư liệu được ghi hình lại và dựng thành video clip phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang.

Hồng Nhi