Lịch sử cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX gắn liền với tên tuổi hai nhà danh nhân cách mạng lỗi lạc Hồ Chí Minh và Tôn Đức Thắng, hai vị Chủ tịch nước kính mến, hiện lên như một hình ảnh tiêu biểu tượng trưng cho truyền thống văn hóa, truyền thống đoàn kết của dân tộc ta với hơn 4000 năm văn hiến, cho tình đoàn kết Bắc - Nam, cho khối đại đoàn kết dân tộc trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Sự gắn bó mật thiết giữa hai con người, trước hết là sự gặp gỡ, thống nhất trong suy nghĩ và hành động của hai nhân cách lớn giàu lòng yêu nước, thương nòi. Hai con người cùng một hướng đi của một thời kỳ lịch sử dân tộc, cùng chung lý tưởng cách mạng và cùng trở thành ngọn cờ đoàn kết dẫn lối chỉ đường cho dân tộc đi theo trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng và phát triển…
Bác Hồ chúc mừng Bác Tôn được Quốc hội khóa II tại Kỳ họp thứ nhất bầu làm Phó Chủ tịch nước , tháng 7/1960
Sau khi Pháp tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vào năm 1858 thì cũng là lúc người dân Việt Nam cùng nhau chống Pháp. Để đàn áp các phong trào yêu nước, Thực dân Pháp đã sử dụng các vũ khí tối tân lúc bấy giờ hòng đàn áp các phong đấu tranh yêu nước đang diễn ra. Nhưng dù đại bác của kẻ thù có dã man đến đâu vẫn không át được tiếng nói yêu nước của nhân dân Việt Nam.
Trong những năm cuối thế kỷ 19, khi khói lửa của quân thù còn tràn ngập trên quê hương Việt Nam, ngày 20/8/1888, tại Cù lao ông Hổ, Tôn Đức Thắng cất tiếng khóc chào đời. Hai năm sau, ngày 19/5/1890, tại làng Hoàng Trù xứ Nghệ, Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) ra đời. Tuổi thơ hai Bác dường như có một điểm giống nhau đó là được nghe, được học tinh thần yêu nước thương nòi, của phận làm trai đối với non song, xã tắc trong thời chiến. Nếu như Nguyễn Sinh Cung được nghe cha mình cùng các nhà nho yêu nước bàn chuyện thế sự thì Tôn Đức Thắng được thầy Năm Khách kể nghe những vị anh hùng hảo hán dám đánh Tây như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân…
Đến tuổi thanh niên, như là một sự hẹn gặp của lịch sử, cả hai Bác đã chọn cho mình một lối đi chung, đó là con đường cứu nước, cứu dân. Với tấm lòng nhiệt huyết và hăng say của tuổi trẻ, tháng 6/1911, Bác Hồ đã hòa mình vào cuộc sống của những người dân lao động làm thuê trên chiếc tàu Latouche Trevill để: “đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác… làm như thế nào” rồi trở về giúp đồng bào mình xây nền tự do, độc lập. Cùng ước mong ấy, tháng 9/1916, Bác Tôn đã xuống tàu Ga-li-ê-ni, rời xa quê hương thân yêu để “bắt đầu cuộc đời trên mặt biển, với một nhiệt tình yêu nước và lòng mong được học hỏi để sau này về nước đấu tranh có kết quả hơn”. Như vậy, chính niềm mong ước, hoài bão ấy đã đưa cả hai người thanh niên cùng dấn thân vào cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian lao thử thách, cùng nguyện một lòng một dạ vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Năm 1919, khi Bác Hồ thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi đến Hội nghị hòa bình Vecxay và các đoàn đại biểu dự hội nghị bản yêu sách 8 điểm, đòi quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam thì trước đó 2 tháng, Bác Tôn đã kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm France tại biển Đen để phản đối sự can thiệp vũ trang của Thực dân Pháp vào nước Nga, ủng hộ cuộc cách mạng tháng 10, ủng hộ nước Nga - Xô Viết. Cả 2 sự kiện đặc biệt này đều là những dấu mốc quan trọng trên hành trình tìm đường cứu nước và giải phóng dân tộc của hai người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc và Tôn Đức Thắng.
Đến những năm thập niên 20, khi Bác Hồ tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc qua Sơ thảo Luận cương của Lenin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, ủng hộ Quốc tế III, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu – Trung Quốc thì tại Sài Gòn, Bác Tôn cùng với những người bạn của mình thành lập Công hội bí mật, lãnh đạo phong trào công nhân đấu tranh nhằm mục đích kinh tế - chính trị. Tuy chưa có chương trình, điều lệ cụ thể, nhưng đây là tổ chức công nhân đầu tiên ở nước ta, mở đầu cho cuộc vận động công nhân rộng rãi của Đảng ta sau này. Đây là sự gặp gỡ thứ 2 giữa hai con người tiêu biểu có tầm nhìn xa trông rộng, là hướng đi mới của con đường cách mạng Việt Nam: con đường cách mạng vô sản.
Trong mọi hoàn cảnh nào – dù giữa địa ngục trần gian Côn Đảo hay ngục tù Victoria, tinh thần đấu tranh của hai Bác là một tấm gương sáng về lòng dũng cảm, đức hy sinh, về tình yêu thương đồng chí đồng đội, về lòng tin sắt đá vào thắng lợi huy hoàng và ngày mai tươi sáng của dân tộc.
Ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, tổ quốc được độc lập cũng là ngày Bác Tôn được tự do, trở về đất liền. Với sự tín nhiệm của nhân dân, Bác Tôn được nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn bầu làm đại biểu Quốc hội. Đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đón Bác Tôn ra Hà Nội. Và sau gần 30 năm tìm gặp, giữa những ngày xuân độc lập đầu tiên ấy, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp mặt cảm động giữa hai con người giản dị nhưng vĩ đại.
Những khó khăn chồng chất bởi thù trong, giặc ngoài trong những ngày đầu độc lập đã dồn cách mạng Việt Nam vào trong tình thế hiểm nghèo như “ngàn cân treo sợi tóc”. Lúc này, Bác Hồ và Trung ương Đảng xác định tình hình lúc này là cần giữ vững nền độc lập dân tộc, ra sức vận động và mở rộng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Trân trọng và đánh giá cao vai trò, năng lực cũng như kinh nghiệm dân vận của Bác Tôn, Bác Hồ đã mời Bác Tôn làm Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt để cùng Bác Hồ góp sức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Từ đây, Bác Hồ va Bác Tôn luôn sát cánh bên nhau, cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lo việc nước, việc dân.
Với uy tín lớn lao và tài tổ chức, Bác Tôn luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, trao giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Đặc biệt, tháng 12/1955, Bác Tôn được Ủy Ban hòa bình quốc tế Lê nin trao giải thưởng “Vì sự nghiệp củng cố hòa bình và tình hữu nghị các dân tộc” tại Maxcova. Khi trở về Hà Nội, Bác Hồ đã chúc mừng Bác Tôn và xem đây là niềm tự hào của dân tộc.
Chiến sự ngày càng khốc liệt trên chiến trường miền Nam khi giặc Mỹ ngày càng sa vào vòng chiến tranh khốc liệt. Vì thế, chúng càng đổ thêm tiền và lính để hòng dập tắt ngọn lửa đấu tranh tại Nam bộ. Tại miền Bắc, Bác Hồ phát động phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại đồng bào miền Nam ruột thịt” và Bác Tôn là người thực hiện phong trào ấy. Từ đây, phong trào thi đua tại miền Bắc diễn ra sôi nổi rồi lan dần cả nước. Hình ảnh Bác Hồ - Bác Tôn hằng ngày trao đổi và lắng nghe những ý kiến của nhau, bàn về tình hình Nam bộ là một hình ảnh tiêu biểu nhất cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Ngoài công việc hai Bác vẫn thường xuyên đến thăm nhau. Chính vì thế, khi tin thắng trận tại miền Nam ngày càng dồn dập về thủ đô, lòng 2 Bác như trào dâng niềm vui sướng, lòng tin vào sự thắng lợi của dân tộc, Bắc – Nam nhất định thống nhất.
Bác Hồ và Bác Tôn (thứ nhất bên trái, hàng ngồi) cùng các thành viên Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội tại Việt Bắc, năm 1948
Cuộc đời Bác Hồ - Bác Tôn có nhiều điểm tương đồng trong suy nghĩ và hành động. Suy nghĩ và hành động của Bác Hồ cũng là suy nghĩ và hành động của Bác Tôn. Và chăm lo cho sự nghiệp giáo dục cũng chính là chăm lo đến tương lai của đất nước. Trên cương vị Chủ tịch nước, 2 Bác đã ký nhiều sắc lệnh về quyền được chăm sóc và bảo vệ trẻ em nhi đồng Việt Nam. Bên cạnh đó, 2 Bác luôn kêu gọi, động viên các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam luôn cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Trong tiết trời ấm áp của những ngày đầu năm 1969, Bác Tôn lại đến thăm Bác Hồ như lời đã hẹn. Cả hai Bác cùng song bước quanh vườn Phủ Chủ tịch, cùng kể cho nhau nghe những kỷ niệm một thời gian khó, cùng trao đổi những việc ích nước lợi dân, cùng luận bàn những điều về tương lai của đất nước, cùng ăn chung một mâm cơm thắm đượm tình bạn, tình đồng chí. Nhưng đây cũng là lần cuối cùng Bác Tôn được dùng cơm chung với Bác Hồ. Ngày 2/9/1969, Bác Hồ qua đời. Sự ra đi của Bác Hồ là nỗi buồn chung của cả dân tộc. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng Bác Tôn luôn túc trực bên linh cửu của Người Sau khi hồ Chủ tịch qua đời, tại kỳ họp Quốc hội khóa III, Bác Tôn được bầu làm Chủ tịch nước. Với cương vị trên, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động cụ thể, Bác đã xuống từng địa phương để kêu gọi nhân dân vừa sản xuất vừa chiến đấu, đến những nơi mà mùi pháo súng của quân thù đang tàn phá để động viên mọi người vượt qua khó khăn, thực hiện theo di chúc thiên liêng của Hồ Chủ tịch – đó là thống nhất nước nhà.
Nếu ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì 30 năm sau, ngày 15/5/1975, tại Hội trường Thống Nhất Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đọc diễn văn mừng miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất. Đây là 2 hình ảnh mà có lẽ mỗi người dân Việt Nam không bao giờ quên được. Nó là đại diện cho nền độc lập của dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ của nước nhà. Và 2 hình ảnh này còn là minh chứng cho một chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Dù cho sông có cạn, đá có mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Dù hai Bác đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng sự nghiệp và tình bạn của Bác Hồ và Bác Tôn là tấm gương sáng cho mọi thế hệ Việt Nam noi theo. Mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa hai con người vĩ đại ấy là hình ảnh tiêu biểu cho tình đoàn kết gắn bó Bắc – Nam, cho khối đại đoàn kết toàn dân và là tiêu biểu cho ý chí độc lập, tự do của Tổ quốc. Học tập chuyên đề năm 2024 của Tỉnh về “An Giang học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống nhân dân” cũng là lúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ra sức thi đua đẩy mạnh cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Noi gương Bác Hồ - Bác Tôn, chúng ta cùng suy ngẫm lại mình, cùng học tập và làm theo tấm gương đạo đức hai Bác, cùng vươn lên trong lao động, học tập và làm nhiều việc tốt để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn như mong ước của hai Bác.